Tây Nam bộ vốn tự xưa nay là một mảnh đất trù phú, màu mỡ phù sa. Tuy nhiên, có lần nào bạn tự ghim điểm các thành phố trên bản đồ Tây Nam bộ. Và tự thấy sao chúng lại cách đều nhau khoảng 60km. Có lý do gì cho sự sắp xếp này không hay chỉ là ngẫu nhiên?
Vùng đất Tây Nam Bộ chính là lưu vực của dòng sông Mê Kông, với 9 nhánh đổ về biển Đông. Và với đặc điểm này, ông cha ta đã đặt cái tên mỹ miều cho vùng đất này là Đồng bằng sông Cửu Long. Với hàm ý 9 đầu rồng phun nước về biển Đông.
Table of contents
ToggleCác thành phố miền tây thường cách nhau khoảng 60km do con nước?
Như hình ảnh phía trên, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra sự phân bố đồng đều về khoảng cách giữa các thành phố ở khu vực Tây Nam Bộ. Vậy đây là một sự sắp xếp có dụng ý? Hay chỉ là một sự ngẫu nhiên?
Theo ông PGS.TS Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Trường đại học Cần Thơ) cho rằng:
TP Châu Đốc cách TP Long Xuyên 60km, TP Long Xuyên cách TP Cần Thơ 60km, TP Cần Thơ cách TP Sóc Trăng 60km, TP Sóc Trăng cách TP Bạc Liêu gần 60km và TP Bạc Liêu lại cách TP Cà Mau cũng khoảng 60km.
Đây không phải là khoảng cách ngẫu nhiên, mà có lý do của nó.
Ngày xưa người dân Việt Nam ở các nơi đến Đồng bằng sông Cửu Long đi bằng ghe, xuồng. Họ đi theo con nước.
Một ngày thủy triều bốn lần thay đổi dòng chảy, mỗi lần được sáu giờ đồng hồ, trong đó sáu giờ nước lên và sáu giờ nước xuống.
Và vận tốc trung bình của dòng sông Mekong khoảng 10km/h, nhân với sáu giờ thì ra khoảng 60km.
Ghe, xuồng đi được 60km thì nước đổi dòng, người ta dừng lại thì ở đó hình thành những chợ nổi, họ đợi tới con nước thì đi tiếp. Dấu vết còn lại hiện nay là chợ nổi, đây là chỗ trao đổi hàng hóa, rồi sau đó họ lên định cư trên bờ, hình thành nên những đơn vị hành chính sau này.
Giả thuyết về quy định thời Pháp thuộc?
Một số khác cho rằng, việc hiện tại các thành phố trên bản đồ các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ có khoảng cách đều nhau khoảng 60km, lý do bắt nguồn từ thời Pháp thuộc.
Ở thời Pháp, việc di chuyển và vận chuyển thư tín giữa các tỉnh lỵ chủ yếu bằng ngựa. Việc phân bố khoảng cách 60km giữa các tỉnh lỵ nhằm đảm bảo tính tức thời liên lạc văn thư.
Theo đó, trung bình ngựa chạy liên tục 1 ngày từ sáng đến chiều là khoảng 60km. Vì thế, các thành phố đã được phân bố với khoảng cách nêu trên.
Khoảng cách giữa hai tỉnh lỵ cạnh nhau theo đường bộ là 60km. Và nếu cách nhau có đường sông sẽ là 30km (ví dụ như Cần Thơ với Vĩnh Long).
Những đô thị khác cũng cách nhau 30-60km?
Không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long, mà hầu như tất cả khu hành chính ở Việt Nam ta đều cách nhau 30km hoặc 60km.
Ví dụ như:
- Miền bắc có: Hà Nội – Nam Định; Hà Nội – Ninh Bình; Ninh Bình – Thanh Hóa;…
- Miền trung: Đà Nẵng – Tam Kỳ; Tam Kỳ – Quảng Ngãi ; Cam Ranh – Nha Trang;…
Vậy có phải chăng giả thuyết về khoảng cách các đô thị ở miền Tây Nam bộ là sai?
Thực ra giả thuyết nào cũng có thể đúng. Tuy nhiên, giả thuyết đúng nhất đó chính là khoảng cách 60km chính là khoảng cách phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, giao thương ở mọi thời đại. Và có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo trong quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, an ninh khu vực…
Chính vì vậy, các con số khoảng cách thường thấy được là 120- 60 – 30 – 15.
Đơn cử, ở vị trí thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước.
TP.HCM cách Biên Hòa 30km; TP.HCM cách Thủ Đức 15km; TP.HCM cách Lái Thiêu 15km; Saigon Củ Chi 60km; TP.HCM cách Vũng Tàu 120km v.v…
Còn theo bạn, bạn nghĩ đáp án nào là đúng nhất? Bình luận ngay bên dưới nhé!